Quá trình phát triển của côn trùng
Căn cứ vào sự khác nhau về hình thái và đặc điểm sinh học người ta có thể chia quá trình phát dục của côn trùng thành 3 hoặc 4 thời kỳ lớn tùy thuộc vào biến thái của côn trùng.
1. Biến thái của côn trùng
Bạn đang đọc: Quá trình phát triển của côn trùng
Biến thái là sự thay đổi về mặt hình thái. Côn trùng có hai loại biến thái là biến thái không hoàn toàn và biến thái hoàn toàn.
– Biến thái không hòan toàn: là loại biến thái không triệt để. Trong quá trình sinh trưởng, phát triển của mình không có sự thay đổi lớn về mặt hình thái giữa sâu non và trưởng thành. Những côn trùng thuộc nhóm biến thái không hoàn toàn, quá trình sinh trưởng, phát triển chỉ trải qua ba giai đoạn: Trứng – sâu non – trưởng thành.
– Biến thái hoàn toàn: Đặc điểm của kiểu biến thái này là sâu non và trưởng thành khác nhau hoàn toàn về mặt hình thái cũng như các tổ chức bên trong cơ thể dẫn đến môi trường sống và đặc điểm sinh học cũng hoàn toàn khác nhau. Quá trình sinh trưởng, phát triển trải qua 4 giai đoạn: trứng – sâu non – nhộng – trưởng thành.
2. Thời kỳ trứng
Thời kỳ này được tính từ lúc trứng được thụ tinh cho đến khi trứng nở ra sâu non. Trứng có thể phát dục trong cơ thể mẹ, ngoài cơ thể mẹ hoặc cả trong và ngoài cơ thể mẹ.
* Phương thức đẻ trứng: Phương thức đẻ trứng của côn trùng đa dạng và phong phú: đẻ rải rác từng quả, đẻ thành từng cụm, từng bọc, từng ổ; đẻ trứng trên lá, trên thân cây, trong đốt, trong kẽ lá, trong nước, trên cạn…
3. Thời kỳ sâu non
Ở những côn trùng thuộc nhóm biến thái hoàn toàn, thời kỳ sâu non được tính từ lúc trứng nở cho đến lúc côn trùng lột xác để chuyển vào giai đoạn nhộng.
Ở những côn trùng thuộc nhóm biến thái không hoàn toàn, thời kỳ sâu non được tính từ lúc trứng nở cho đến lúc côn trùng lột xác thành trưởng thành.
* Đặc điểm của thời kỳ sâu non
Đặc điểm nổi bật của giai đoạn sâu non là côn trùng ăn rất mạnh và lớn lên rất nhanh, nên người ta thường gọi giai đoạn này là giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng. Đa số các loài côn trùng đã tích lũy đầy đủ chất dinh dưỡng trong giai đoạn sâu non.
Vì vậy sâu non ăn nhiều, lớn lên nhanh nhưng lớp biểu bì da của côn trùng không thể lớn lên được cho nên chỉ sau một thời gian sự mâu thuẫn giữa sự lớn lên của cơ thể và sự không lớn lên của da côn trùng đã dẫn đến hiện tượng lột xác để bỏ lớp da cũ chật hẹp, hình thành lớp da mới thích hợp hơn. Khi mới lột xác thì cơ thể côn trùng thường mềm yếu vì lớp biểu bì ngoài hình thành chưa hoàn chỉnh và lớp sáp, lớp men của biểu bì chưa có. Đây là lúc dùng thuốc tiếp xúc có hiệu quả.
Sau mỗi lần lột xác sâu non lớn lên rất nhanh chóng. Số làn lột xác phụ thuộc vào từng loài côn trùng: Bộ cánh tơ một lần, bộ cánh cứng 5 lần, bộ cánh vảy 2-9 lần.
Căn cứ vào số lần lột xác, người ta có thể tính được tuổi của côn trùng ở giai đoạn sâu non. Theo quy định sâu non mới nở từ trứng ra là 1 tuổi, sau lần lột xác thứ nhất là tuổi 2, sau lần lột xác thứ 2 là tuổi 3…
Tuổi sâu = số lần lột xác + 1
4. Thời kỳ nhộng
Thời kỳ nhộng chỉ có ở các côn trùng thuộc nhóm biến thái hoàn toàn và được tính từ khi côn trùng lột xác hóa nhộng cho đến khi côn trùng lột xác hóa trưởng thành.
* Đặc điểm giai đoạn nhộng
Trong giai đoạn nhộng côn trùng không ăn, không hoạt động (trừ một số loài như muỗi chỉ hồng, sâu năn), khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh rất lớn.
Mỗi loài côn trùng có một vị trí hóa nhộng tương đối ổn định và thường ở nơi kín đáo.
5. Thời kỳ trưởng thành
Trưởng thành là giai đoạn cuối cùng của quá trình phát dục cơ thể ở côn trùng. Thời kỳ này được tính từ khi trưởng thành xuất hiện cho đến khi trưởng thành chết sinh lý. Thực chất của thời kỳ trưởng thành ở côn trùng là thời kỳ sinh sản. Đây là kết quả của sự sinh trưởng, phát dục trong quá trình sinh sống.
* Đặc điểm nổi bật của thời kỳ trưởng thành
Côn trùng đã ổn định về mặt hình thái, bộ máy sinh dục đã phát triển hoàn thiện, có thể phân biệt được đực cái một cách dễ dàng. Đa số côn trùng không ăn và không lột xác ở giai đoạn trưởng thành. Sau lần lột xác cuối cùng đa số côn trùng tiến hành giao phối và đẻ trứng ngay rồi chết sau một thời gian rất ngắn. Những loại côn trùng này không ăn thêm, trưởng thành không có hại đối với cây trồng, trứng đẻ ra thường tập trung, sâu non xuất hiện thành lứa rõ rệt.
Một số loài sau khi hóa trưởng thành phải có một thời gian ăn thêm để bổ sung dinh dưỡng cho trứng phát triển đầy đủ sau đó côn trùng mới tiến hành giao phối và đẻ trứng. Thời gian ăn thêm tùy thuộc vào loài: có thể vài giờ, vài ngày, vài tháng và có khi đến hàng năm như bọ hà hại khoai lang. Trưởng thành của những loại côn trùng này có thể gây hại trực tiếp đối với cây trồng, thời gian đẻ trứng kéo dài sâu non nở ra không tập trung./.
Source: https://suachuatulanh.edu.vn
Category : Nhà Cửa