Thẩm định 18 tàu vỏ thép đóng mới: “9 máy Mitsubishi”… không do Mitsubishi sản xuất!
Xuân Nhàn –
Thứ sáu, 23/06/2017 08:35 (GMT+7)
Chiều 22.6, Sở NNPTNT Bình Định công bố kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn. Tham dự có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện Cty TNHH MTV Nam Triệu…
Phòng họp Sở NNPTNT Bình Định trước giờ công bố kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Ảnh: X.N
Thép sai chủng loại, động cơ không đồng bộ, sai lệch giữa hồ sơ và thực tế…
Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 67) thành lập ngày 2.6 theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định sau sự cố hư hỏng hàng loạt trên những con tàu hàng chục tỉ đồng của ngư dân. Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định kiêm tổ trưởng tổ thẩm định Trần Văn Phúc cho biết: “Từ 6 – 10.6 có 7 chủ tàu xin rút đơn kiến nghị sau khi tiếp xúc với đại diện Cty TNHH MTV Nam Triệu. Dù vậy, để có kết luận chính xác, chúng tôi vẫn tổ chức thẩm định 17 tàu. Riêng tàu BĐ-99909TS của ngư dân Lê Hoài Thanh (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) đang khai thác tại ngư trường phía Nam chưa kiểm tra được”.
Báo cáo thẩm định ghi nhận một số thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị hàng hải và các thiết bị khác. Theo đó, 5 tàu do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có xuất xứ thép từ Trung Quốc, 12 tàu Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng có gốc thép Hàn Quốc. Về tính chất cơ lý, tất cả các mẫu thép đều đạt cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT.
Về chỉ tiêu hóa học, 9 tàu có mẫu thép đạt cấp A, 8 tàu còn lại thì thành phần mangan (Mn) không đạt. Độ dày phần tôn vỏ trên mặt nước 17 tàu (mạn tàu, mặt boong, cabin) đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vài vị trí gần chạm mức giới hạn tối thiểu của đăng kiểm. Có 12 tàu phần vỏ bị gỉ sét tự nhiên; một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư lưới cụ, cá thành phẩm. 5 tàu có phần vỏ, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng.
Về máy, 9 máy chính hiệu Mitsubishi MPTA (5 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP, 4 máy S6R-MPTA công suất 811 HP) có dấu hiệu không bình thường: Hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt. Các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ, không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy Mitsubishi. Ông Trần Văn Phúc thông báo: “Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ model, công suất như ghi trên đề can máy.
Hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định”. Với 3 máy chính hiệu Doosan 4VV222TIM, công suất 880PS, báo cáo xác nhận có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, “tuy nhiên trong quá trình vận hành, động cơ hoạt động không ổn định và bị nóng”. Máy chính Doosan lắp trên tàu BĐ-99245TS của chủ tàu Trần Đình Sơn bị hư hỏng nặng (gãy trục khuỷu, hư piston). Qua kiểm tra hồ sơ, phát hiện cả 3 máy có sai lệch ký hiệu giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM). Doosan nói 2 model trên là giống nhau.
Theo tổ thẩm định, trong 25 máy phụ lắp đặt trên 17 tàu được kiểm tra (10 máy hiệu Mitsubishi, 9 máy hiệu Doosan, 4 máy hiệu Cummins CTA 83-G2, 2 máy không nhãn mác chỉ đóng số chìm, 1 máy hiệu Cummins do Trung Quốc sản xuất), có 2 máy không nhãn mác, chỉ có dòng số đóng chìm. Tình trạng máy được mô tả như sau: 3 máy Cummins hoạt động không ổn định, nổ không đều, đôi khi tắt trong quá trình khai thác, 1 máy Mitsubishi vỡ thân, không hoạt động được, 1 máy khác cũng mang nhãn hiệu này hư hỏng do hở bạc.
Báo cáo cũng đề cập tình trạng hư hỏng của thiết bị hàng hải trên một số tàu như máy dò ngang Sonar MAQ, máy dò ngang Furuno CH-37. “Màn hình chính máy dò cá Sonar Furuno CH-37 lắp đặt trên tàu cá của ông Trần Minh Vương bị thay bằng màn hình vi tính hiệu DELL thông thường. Chất lượng thu nhận tín hiệu, độ phân giải rất thấp”.
Ý kiến về lỗi thiết kế tàu được tổ thẩm định thu thập qua con đường phỏng vấn thuyền trưởng và chủ tàu: “Có 4 tàu đã chuyển sang nghề mành chụp do giàn lưới vây mạn bị lưới cuốn chân vịt, 2 tàu chuẩn bị chuyển đổi. Trong 6 tàu trên, 5 tàu có mẫu thiết kế VM28 của Cty CP Thiết kế & dịch vụ kỹ thuật tàu thủy Việt Hàn, 1 tàu có mẫu thiết kế TK 26-16/V của Cty TNHH Thiết kế tàu thủy Bình Minh, TP.Hải Phòng”…
Cơ sở đóng tàu phải thay máy mới, thay thép, hoàn trả tiền chênh lệch…
Từ kết quả thẩm định (chưa đầy đủ), nhóm công tác đề nghị Cty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ, kể cả máy cho tàu ông Lê Hoài Thanh (cũng trang bị máy S6R-MPTA); thay mới máy chính Doosan cho ông Trần Đình Sơn; bổ sung tài liệu chứng minh sự khác biệt ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM) 3 máy chính Doosan; khắc phục, sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng.
Các Cty Nam Triệu, Đại Nguyên Dương phải có trách nhiệm làm sạch bề mặt, sơn lại một phần hoặc toàn bộ theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép; thay thế các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A. Trường hợp vỏ tàu đã thay thế thép Trung Quốc nhưng đảm bảo cấp A, nếu chủ tàu, cơ sở đóng tàu đồng ý thì doanh nghiệp phải hoàn trả phần chênh lệch giữa giá thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản so với thép Trung Quốc cho khách hàng.
Hai Cty trên phải sửa chữa hoặc làm mới hệ thống hầm bảo quản bị hư hỏng do không thoát nước, kiểm tra gỉ sét lớp vỏ bên trong hầm bảo quản theo quy chuẩn hiện hành (QCVN 02-13: 2009/BNNPTNT)… Đối với máy dò ngang Sonar (giá trị từ 1,4 tỉ đồng trở lên và là một thiết bị quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác), các đơn vị lắp đặt, bảo hành cần sửa chữa kịp thời cho ngư dân. Ngoài ra, Nam Triệu, Đại Nguyên Dương còn được yêu cầu cung cấp đủ tài liệu vận hành, sử dụng vỏ, máy tàu, trang thiết bị hàng hải, khai thác, các điều khoản bảo hành cho từng chủ tàu.
Nhiều ngư dân nêu yêu sách riêng cho tàu của mình, trong đó có cả trường hợp mới phát sinh, nằm ngoài danh sách 18 tàu thuộc diện thẩm định. Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu Bùi Hữu Hùng nói “không có ý kiến khác” đồng thời hứa sẽ có văn bản gửi lãnh đạo Bình Định về việc “sớm sửa chữa, khắc phục” những con tàu hư hại.
Source: https://suachuatulanh.edu.vn
Category: Mitsubishi