Quan điểm quản trị nhân sự
VĂN NHẬT (theo Inc.)Thứ tư, 16/5/2012|08:47 GMT+7
Theo Geoffrey James, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán hàng, đào tạo và công nghệ, tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng trong lĩnh vực này, trong đó có cuốn mới nhất mang tựa đề How to Say It: Business to Business Selling: Power Words and Strategies from the World’s Top Sales Experts (tạm dịch: Bí quyết sử dụng ngôn ngữ và các chiến lược có sức mạnh của các chuyên gia bán hàng hàng đầu thế giới), những vị sếp giỏi nhất là những người có một sự hiểu biết rất khác biệt so với những nhà quản lý bình thường về môi trường làm việc, công ty và các động cơ làm việc của nhân viên. Những nhà quản lý này thường có chung một số quan điểm cốt lõi sau đây trong vấn đề quản trị nhân sự.
Đọc E-paper
Bạn đang đọc: Quan điểm quản trị nhân sự
1. Môi trường kinh doanh là một “hệ sinh thái” chứ không phải là một chiến trận. Những nhà quản lý bình thường xem chuyện kinh doanh gắn liền với những xung đột giữa các công ty, các phòng ban, các nhóm lợi ích. Họ tạo ra cho mình những thành trì vững chắc và những “đội quân” hùng hậu để điều khiển và ra lệnh, xem các đối thủ cạnh tranh như những “kẻ thù” và khách hàng là một “địa hạt” cần phải được chinh phục.
Nhưng các vị sếp xuất chúng thì lại xem môi trường kinh doanh như một quần thể cộng sinh mà ở đó những công ty linh hoạt nhất là những công ty có khả năng tồn tại và phát triển cao nhất. Những công ty này có khả năng tạo ra một đội ngũ nhân sự có thể thích ứng dễ dàng với các thị trường mới và xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các công ty khác, với khách hàng và cả đối thủ cạnh tranh.
2. Công ty là một cộng đồng chứ không phải một cỗ máy. Những vị sếp bình thường xem công ty như một cỗ máy và nhân viên là những chiếc bánh răng trong cỗ máy ấy. Họ thiết lập ra những cấu trúc cứng nhắc và tìm cách kiểm soát việc tuân thủ những cấu trúc đó bằng cách “kéo các cần số” và “lái con thuyền”.
Trong khi đó, những vị sếp tài xem công ty là một tập hợp của những niềm hy vọng, ước mơ của cá nhân được kết nối với nhau để đạt đến một mục đích cao hơn. Sếp giỏi biết cách khơi nguồn cảm hứng cho nhân viên để họ tự nguyện cống hiến sức lực của mình cho sự thành công của các đồng nghiệp, công ty và cộng đồng.
3. Quản lý là phục vụ chứ không phải là kiểm soát. Các nhà quản lý bình thường muốn nhân viên chỉ làm đúng những gì mà họ ra lệnh. Họ rất quan tâm đến các biểu hiện bất phục tùng của nhân viên và tạo ra một môi trường làm việc mà ở đó những đề xuất hay sự sáng tạo của cá nhân bị thay thế bằng thái độ “cứ hãy chờ xem sếp nói gì”.
Những vị sếp tài thì vạch ra một hướng đi chung cho các nhân viên và cam kết trang bị cho nhân viên những nguồn lực cần thiết để thực hiện công việc của mình. Họ đề cao vai trò của cấp dưới trong quá trình ra quyết định, cho phép nhân viên tạo ra các nguyên tắc riêng cho mình và chỉ can thiệp trong những tình huống khẩn cấp.
4. Xem nhân viên là đồng nghiệp chứ không phải là “con cái”. Sếp bình thường xem nhân viên là những người thuộc đẳng cấp thấp, chưa trưởng thành, khó có thể tin cậy nếu không được giám sát bởi những nhà quản lý có phong cách “gia trưởng”. Nhân viên đối phó lại bằng cách luôn tỏ ra bận rộn và che đậy những khiếm khuyết của mình.
Sếp giỏi xem mỗi nhân viên là một phần tử quan trọng nhất của doanh nghiệp. Họ luôn kỳ vọng nhân viên phải đạt đến sự xuất sắc trong nghề nghiệp của mình, bất kể là đang làm việc gì và đang ở vị trí nào. Kết quả là nhân viên ở tất cả các cấp đều rất có trách nhiệm với công việc và sự phát triển nghề nghiệp của mình.
5. Động cơ làm việc bắt nguồn từ tầm nhìn chứ không phải sự sợ hãi. Các nhà quản lý bình thường cho rằng khi nhân viên cảm thấy lo sợ (sợ bị sa thải, sợ bị phê bình, sợ bị mất quyền lợi…) họ sẽ làm việc tốt hơn. Kết quả là giữa sếp và nhân viên luôn hình thành một bầu không khí của “chiến tranh lạnh” và sự bất hợp tác. Hai bên từ đó khó có thể đưa ra những quyết định rủi ro mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.Trong khi đó, các sếp giỏi biết cách khơi nguồn cảm hứng cho nhân viên để họ lạc quan hơn vào tương lai và hình dung được sự đóng góp cũng như lợi ích của mình trong đó. Khi đó, nhân viên sẽ làm việc tích cực hơn vì họ tin vào các mục tiêu của tổ chức và thật sự hài lòng với những gì mình đang làm.
6. Thay đổi là để phát triển chứ không phải đem đến những điều “đau khổ”. Các nhà quản lý bình thường có xu hướng nghĩ rằng thay đổi là một điều vừa phức tạp vừa mang tính đe dọa và doanh nghiệp chỉ nên thay đổi khi đang ở trên bờ vực. Họ thường chống lại sự thay đổi một cách vô thức cho đến khi mọi chuyện trở nên quá muộn.Những vị sếp tài thì xem thay đổi là một điều không thể tránh trong cuộc sống. Tuy khôngphải hào hứng với sự thay đổi nhưng họ hiểu rằng thành công chỉ có thể đến nếu nhân viên và tổ chức biết nắm bắt các cơ hội, ý tưởng mới trong kinh doanh.
7. Công nghệ giúp tùng cường sức mạnh của con người chứ không chỉ là sự tự động hóa. Các vị sếp bình thường hay quan niệm rằng công nghệ được sinh ra là để tăng cường sự kiểm soát của nhà quản lý và khả năng dự báo. Họ ứng dụng nhiều hệ thống tin học để quản lý tập trung, từ đó làm suy giảm tính nhân bản và tạo ra phản ứng từ nhân viên.
Sếp giỏi xem công nghệ là một phương tiện để giải phóng tính sáng tạo của con người và tạo điều kiện để con người xây dựng quan hệ tốt đẹp với nhau.
8. Làm việc là để có niềm vui chứ không phải đem đến sự cực nhọc. Các nhà quản lý bình thường quan niệm rằng công việc chỉ có thể đạt hiệu quả tốt nhất khi nó được thiết kế như một cực hình cho nhân viên. Đối với họ, chuyện nhân viên ghét làm việc là một điều phải có, từ đó họ xem mình như những kẻ áp bức còn nhân viên là những nạn nhân. Kết quả là hai bên luôn đối kháng nhau.
Nhưng những vị sếp xuất chúng cho rằng việc làm nào cũng có những niềm vui nhất định và trách nhiệm quan trọng nhất của bất kỳ một nhà quản trị nào là sắp xếp nhân viên cấp dưới vào những việc làm tương thích và giúp họ cảm nhận được niềm vui trong việc làm của mình.
Source: https://suachuatulanh.edu.vn
Category : Dịch Vụ Khác