NGƯỜI SĂN CÔN TRÙNG (Phần 1)
Truyện ngắn Tống Ngọc Hân

30/11/2022 admin

>> NGƯỜI SĂN CÔN TRÙNG (Phần cuối)

Thằng con trai mười tám mặc bộ quần áo cộc tỡn. Nó ngượng vì áo quần cộc hay ngượng vì ông bố suốt ngày khổ luyện với men mà nó đứng xa, dùng ngọn cái roi trúc gãi vào bàn chân ông. “ Dậy thôi ”. Ông dụi mắt, ngồi dậy. “ Tổ cha mày, gọi cơm bố mày thế à ”. Hề hề. Ông chắp tay vào mông, đĩnh đạc bước dấn lên phía trước. Cái dáng thấp, lùn chùn chụt, nom càng vững chãi .
Mâm cơm dọn ra. Cái nhà bếp than tổ ong để sát nồi cơm. Trên nhà bếp là nồi canh cá đang lục bục sôi, mùi thì là mê hoặc quá. Mâm cơm toàn rau. Vùng này, chỉ có rau là sẵn. “ Đầu cá gì thế bà ? ”. Bà nguýt ông. “ Đầu cá mè, sướng chưa ? ” Ông sướng quá, tót lên cái ghế gỗ, kiễng chân với tay lên ban thờ thỉnh xuống chai rượu. Chai rượu duy nhất còn lại đấy. Như thế gọi là hưởng lộc ông bà ông vải. “ Mẹ mày có làm một chén không ? ”. Ông gạ gẫm. Người đàn bà trạc sáu mươi, gò má nhô cao như hai cái nút chai, chợt ửng lên như sắc hoa đào gặp nắng .

 Cụ già tám mươi ngồi im, nhìn trận đũa tí tớp lao ra lao vào từ ba người còn lại. Thi thoảng cụ mới len đũa vào, gắp được một nhánh ngồng tỏi muối bỏ lên miệng. Cả mồm có ba cái răng nhưng mỗi cái đậu một nơi nên cũng chẳng ai biết là cụ đã giải quyết cái miếng dưa ấy thế nào trước khi nuốt. Thằng con trai cầm lấy bát của cụ, tiếp tục cái điệu trống không. “Đưa đây chan cho”. Nó múc nước canh cá vào đầy bát cơm của cụ già và dặn dò. “Cẩn thận kẻo bỏng”. Người nức nở “ngon quá”. Người tấm tắc “quá ngon”. Bà hãnh diện lắm. Cái tài nấu canh chua của bà lúc nào cũng khiến ông giống như đứa trẻ háu ăn. Khi cái nồi nghiêng đi chỉ còn bám vài cái vẩy cá, ông đứng dậy, vươn vai, kéo cạp quần xuống thấp. Bà lườm ông. “Ở đâu ra cái người tục ăn tục uống thế”. Ông lại hề hề.


Minh họa của Thúy Hằng

Hai người có vẻ như ngấm men. Ông ngất ngưởng đi khoe thiên hạ cái sự say. Lại khu vui chơi giải trí công viên, lại nằm ngửa trên ghế đá. Ngắm một trời hoa mận trắng. Chả phải mất tiền cho thuê, cũng chẳng ai quở trách thằng say. Thì kia, dưới gốc đào gốc mận, bọn say sưa đang dang tay, dạng chân đánh giấc đầy ra .
Cụ già tám mươi, hóa trang thần tốc, chỉ phút rưỡi đã xuất hiện trên dòng đường đông đúc. Một cái nón mê, một đôi dép rách nát, bộ quần áo cũ, rộng thùng thình và một bị cói. Cây gậy lộp khộp dẫn đường. Những tờ tiền lẻ buông vào nón cụ cùng với tia mắt xót thương .
Bà bánh trôi nhòm chỗ có người mà cao giọng. “ Ai bánh trôi đê … ” Tiếng rao vừa dẻo, vừa ngọt, vừa thanh mát. Người một đĩa, người hai đĩa. Ăn thòm ăn thèm thôi, mai lại ăn được. Khách mua bánh trôi là dân chợ búa đang ngồi gà gật ven đường hóng khách du lịch. Họ bảo ăn quà cũng là một cách giải đen. Bánh trôi làm trôi đi những cái rủi ro xấu của buổi sáng chẳng may gặp phải mụ già nặng vía, sờ nẫu cả cam người ta rồi bỏ bom “ chục nghìn một cân ”. Mùa cam đơm hoa, làm quái gì có loại cam nào chục nghìn. Làm đĩa bánh trôi cho hả. Người thì xấu xí, nhếch nhác mà bánh ngon thế không biết. Chưa từng thấy cái hàng bánh trôi nào đặc biệt quan trọng đến vậy .
Thằng con trai, tay trái xách con hươu, tay phải xách con dê, hai nách kẹp hai con ngựa. Những con vật ngộ nghĩnh kết bằng rêu xanh lấy từ trên núi đá của xứ sở mù sương, hút khách như nam châm từ hút sắt. Cái cách ăn mặc ngộ nghĩnh của cu cậu cũng hút khách không kém .

 Ông liếc thấy hàng thú rêu có khách xúm đen xúm đỏ thì khật khưỡng đi đến. “Hươu nai bán thế nào đây”. Thằng bán hất hàm “Mua đi chú, tám mươi nghìn một con”. Ông khùng lên. “Thằng này láo, hôm qua bán cho tao cả trăm nghìn không bớt, nay lại bán có tám mươi là sao? Mày có thích tao đuổi ra khỏi công viên không?” Thằng kia vội vàng nhặt mấy con thú lên. Khách rối rít xin hộ. “Bác làm gì quá đáng thế, để cậu ấy bán đã, mỗi chợ mỗi giá, biết sao mà bì tỵ. Để bọn tôi mua hết cho, khổ thân cậu”. Thấy thằng con đút tiền vào túi rồi, ông hề hề. “Thôi, biến được rồi. Từ sau mua bán xuống chợ”.

Thấy bà tung tẩy cái làn không về qua ghế đá, ông cười ruồi. “ Thấy chưa, đây mà sờ vào á, cứ gọi là bán không kịp ”. Bà già đỏ hai cái nút chai trên má. Sáng nay, bánh ông chả sờ, sờ vào chỗ khác, phải gió, thế mà may đáo để .
Cụ tám mươi mới gọi là may. Sáng sáng, ông mở hàng một nghìn vào mê nón cụ lấy lộc. Tiền của khách hành hương đầu năm, mới tinh và hậu hĩ vô cùng. Chả cần đếm vội, chắp qua loa rồi ấn ngay vào hòm khóa lại .

 * * *

Năm ấy, trận rét đậm mót mùa vào cuối tháng ba. Không khí buốt như chó đớp vào tay. Ông nhạt miệng, cắm cúi bước. Mẹ nó, hàng họ gì mà buổi đực buổi cái. Chỗ nó ngồi bán rượu chân gà nướng, chỉ có bà lão ăn mày ngồi thu lu canh đống tro lạnh. “ Cụ có thấy con nướng chân gà không ? ” Cụ già khước từ. Ông quay bước. Đi hết con đường khuya, nhìn quay lại, vẫn cái bóng đen dưới gốc sa mu. Ông quay lại ân cần. “ Cụ định ngủ ngoài trời lạnh thế này hả ? ” Cụ già ngồi im .
Việc ông “ tìm ” được mẹ già ăn xin làm cái dân bắt bướm vùng núi này đàm tiếu suốt. Dạo này bướm và côn trùng ế lắm, ông cũng ít đi, sống dè sẻn bằng nghề bóc rêu, đi trong ngày, về trong ngày, chẳng phải ở trọ trên hang núi cả tháng nữa. Thi thoảng, nỗi ám ảnh về những con bướm ma bảy màu có sải cánh bằng cả chiếc mũ nồi và mười cái đuôi, loạng quạng bay về phía ánh sáng của chiếc đèn pin làm ông bàng hoàng tỉnh giấc. Đã lao vào vào nghề săn côn trùng, chẳng có anh nào lại không ôm giấc mơ trúng quả với con bướm quý trị giá cả hai cây vàng như vậy. Chưa kể những con cánh cam màu đỏ nhung sống thành từng đàn trên tán chè tuyết cổ thụ ở độ cao hai nghìn tám trăm mét vào những bình minh có ánh mặt trời sau trận mưa đêm. Hay những con bọ dừa xứ lạnh có đôi cánh dầy màu lá cây biêng biếc … Bao nhiêu là mê hoặc mời gọi. Nhưng có vẻ như gần đây, những người thu mua bướm và côn trùng đã giảm đi rất nhiều. Vì sao thì ông không rõ lắm. Thôi ở nhà vậy. Nhà có hai người cũng vui. Rêu ăn bám đá, ông lại ăn bám rêu. Chả sao cả. Đương nhiên là ông không thèm xơ múi một cắc lẻ của cụ già ăn xin. Cụ đang tích tiền về cho thằng cháu nội dựng lại cái nhà lá mới bị bão biển cuốn đi năm trước. Có than sưởi ấm, có giường đệm, có nhà bếp thổi cơm, dù nhà cửa chật hẹp cũng còn hơn đứt cái cảnh màn trời chiếu đất. Cụ lại nảy lòng tham. “ Anh nên kiếm lấy một đứa về bầu bạn cho đỡ buồn, ở thế này lạnh lắm ”. Gớm, cái thân còn không nuôi xong, sao dám nghĩ tới chuyện ấm lạnh. Với lại …

 Chuyện nếu bảo là cũ thì nó cũ, nếu bảo là mới thì nó mới. Mới hôm nào từng đoàn người lũ lượt lên rừng đông như trẩy hội. Để bắt được bướm quý, người ta sẵn sàng hạ gục những gốc đại thụ. Cây to đè lên cây bé. Tan hoang cả vì bướm. Một hôm trúng quả con bướm chúa to bằng cái quạt điện cơ, vàng suộm. Ông luồn rừng đêm và men theo sấm sét mà về. Dự định sẽ mua cho vợ cái váy bằng lụa tơ tằm như bà chủ khách sạn lớn vẫn diện những đêm hè hóng gió bờ hồ. Chết tiệt, đểnh đoảng quá, ngủ chẳng khóa khoáy gì cả. Ông đẩy cửa, lùng nhùng cái túi lưới nhốt bướm quý vào trước, người vào sau. Điện bật lên. Những gì ông chứng kiến là sự phản bội của cô vợ trẻ. ẤËy đấy, giờ bảo kiếm… Ngộ nó thành cái dớp, liệu còn đủ sức mà đương đầu với đớn đau, nhục nhã?

Nói vậy thôi. Kể từ hôm ấy, sau mỗi cuộc rượu về qua khu vui chơi giải trí công viên, ông đều chú ý cả. Một hôm, như là trời xui đất khiến, ông về muộn hơn. Cái thú rượu đêm xứ lạnh này không dễ gì khước từ được. Phố xá vắng ngắt, ngang qua cái thùng rác dưới chân cột đèn cao áp, vẫn thấy một con mẹ lui cui vần hai cái thùng rác vào sát nhau rồi trải cái ny lông xuống giữa. Trời đất, ngủ rác ngủ rưởi thế này sao được. Sao không tìm mái hiên nhà nào. Chẳng biết già hay trẻ. Quay lại xem sao. Á, trạc năm mươi, tuổi mình là cùng. Tay chắp sau đít, giọng ngay thật. “ Về chỗ tôi mà trọ ”. Người đàn bà đứng dậy. “ Bao nhiêu hả bác ? ”. “ Hai nghìn một tối ”. “ Bác làm ơn cho hỏi, ngủ hai nghìn thì có chăn đắp không ạ ? ”. “ Có chứ ” .
Được ba đêm ngủ chung, cụ già giở chứng, kêu eo hẹp, đuổi bà gom phế liệu sang giường khác mà ngủ. Giường khác là giường nào ngoài cái giường của ông chủ khi nào cũng phảng phất hơi rượu ? Chủ và khách cứ đùn đẩy, nhường nhau chỗ nằm, đến khi cả hai nóng người lên thì mới phát hiện ra là cái giường rất rộng, hai người nằm cũng chả hết, có lúc còn không dùng đến chăn ấy chứ. Thế là ông được vợ. Bà bảo biết nghề làm bánh vì quê ở đất Lang Liêu. Cháy nhà, trắng tay nên mạnh ai nấy tìm đường mưu sinh. Bọn đi núi kháo nhau. “ Cha lùn bắt được bướm nhà, bỏ nghề bướm rừng rồi ”. Ông chả có quan điểm gì. Yên tâm nghề rêu và tranh thủ giúp bà làm bánh trôi bán. Đúng là cái phận đàn bà chìm nổi, may còn bám được vào miếng bánh trôi mà sống. Cụ già lại mừng cuống gạ ông bà đẻ con mà nuôi cho vui cửa vui nhà. Ông bà bẽn lẽn nhìn nhau như vợ chồng mới cưới .
( Số sau đăng hết )

Alternate Text Gọi ngay