Về bài thơ Chúc Tết năm Kỷ Sửu của Bác Hồ
Mở đầu bài thơ là 4 câu 7 tiếng, lời lẽ giản dị nhưng giọng đọc ngân vang, chắc khỏe do nghệ thuật phối thanh ở những âm tiết đầu câu và những âm tiết cuối câu vút lên hào sảng. Ba từ “thêm” đặt ở giữa 3 câu (1-2-4): “Kháng chiến lại thêm một năm”, “Thi đua… thêm tiến tới”, “Kháng chiến… thêm mau thắng lợi”. Cùng một từ nhưng đặt ở 3 vị trí khác nhau nên tư tưởng cũng khác nhau: “Thêm” thách thức mới, “Thêm” tinh thần mới và “Thêm” kết quả mới. Mỗi lời thơ chúc Tết của Bác là quà mừng xuân tinh thần gửi tới toàn dân và toàn quân cả nước. Một tương lai được gắn vào hiện tại, một hiện tại Thi đua yêu nước sẽ lấp lánh tương lai kháng chiến mau thắng lợi. Xuất phát từ lòng yêu nước thương dân cho nên tâm Bác lúc nào cũng trong, trí Bác lúc nào cũng sáng, do đó câu Bác viết đến với người đọc, giọng Bác nói đến với người nghe như trời đất giao hòa sinh ra muôn vật, như trên bảo dưới nghe cùng đồng tâm nhất trí tạo nên sức mạnh. Cả bài thơ có 53 âm tiết. Nếu nói về ngôn từ thì không có câu nào là thơ. Những từ Bác dùng, những câu Bác viết đều gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của dân nên ai đọc cũng thông, ai nghe cũng hiểu. Nhưng chất thơ ở bài Chúc Tết 1949 của Bác lại kết tụ ở phong cốt. Phong cốt của mỗi câu thơ Bác viết vừa là hình thái bên ngoài, vừa là khí chất bên trong cho nên thi tài tỏa sáng. Những điệp từ, điệp ngữ, thanh điệu, nhịp điệu, số câu, số chữ cứ như một dòng chảy rất tự nhiên mở ra một không gian tinh thần: “Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Năm câu thơ 4 tiếng là sản phẩm của niềm tin sâu sắc, là tình cảm được biểu đạt qua âm điệu nổi bật Bác gửi tới “Người người/Ngành ngành và Ngày ngày” . Một lối nói trực tiếp không văn hoa mà vẫn đi thẳng tới chỗ linh điệu của thơ qua các điệp từ, điệp ngữ. Nghệ thuật làm chính trị, nghệ thuật tuyên truyền cách mạng là nghệ thuật vừa lớn nhất, vừa khó khăn nhất. Điều lớn lao và khó khăn đó đã được Bác chuyển tải một cách điệu nghệ. Thế mới biết sức mạnh của thơ là vô cùng. Thế mới biết Bác Hồ của chúng ta xử lý mọi khó khăn, định đoạt mọi tình huống đều vượt trên tầm thế tục. Lời chúc Tết của Bác không chỉ là lời kêu gọi người người, ngành ngành, ngày ngày thi đua mà còn là lòng tin yêu ở dân, hiểu sức mạnh của dân còn đang tiềm ẩn. Đây chính là nghệ thuật lớn nhất phát động hành vi của mọi người.
Bạn đang đọc: Về bài thơ Chúc Tết năm Kỷ Sửu của Bác Hồ
Thơ Chúc Tết 1949 của Bác đến với người dân nơi thôn quê, thị thành, đến nơi núi cao, biển xa, đến với những chiến sỹ như có sức mạnh huyền diệu. Lời Chúc tết của Bác như mưa nhuần thấm sâu, đến với từng nhà, từng người tạo nên sức mạnh đồng khởi yêu nước thiết tha. Hai tiếng ” Thi đua ” dưới ngòi bút của Bác, qua giọng nói của Bác đi vào lòng người như một chất men say. Với Bác, hai tiếng ” thi đua ” như đã hòa vào máu, đã nở thành hoa.
Hoàng Trung Hiếu
Source: https://suachuatulanh.edu.vn
Category : Nhà Cửa